Từ bao lâu, con vẫn tự hứa với mình sẽ có một ngày con ngồi viết lại những gì con đã nghĩ về Mẹ. Con vẫn có thói quen hay suy nghĩ lang thang, để dòng tư tưởng của mình trôi tự do theo những ký ức, suy gẫm, cảm xúc dù trong hoàn cảnh nào. Thói quen đó đôi khi làm con mất tập trung, có khi trong cuộc họp lại để rớt mất, không biết người ta đang nói về điều gì. Và có khi còn tệ hơn nữa, khi chính mình đang nói chợt khựng lại vì không nhớ được điều mình vừa nói! Nhưng cũng chính trong những lúc suy nghĩ miên viễn như vậy, con đã nghĩ, đã nhớ và “viết” nên rất nhiều điều về Mẹ, có những điều lập đi lập lại trong tâm tưởng đến nỗi con phải tự hứa với mình sẽ ghi lại, viết lại thành câu chữ rành mạch, về Mẹ, về một người Mẹ Việt Nam. Và hôm nay, ngày Vu Lan, con đang làm chuyện đã tự hứa với lòng mình ...
Mẹ tôi là một người Bắc di cư. Bà khá còn thuần chất, vẫn giữ nguyên bộ răng đen huyền “hạt na” cho mãi đến năm 196.. tôi mới thấy bà lấy than chà đi lớp nhuộm đen bóng lưỡng huyền bí để hoà nhập vào với xã hội miền Nam. Có thể vì vậy, nhưng cũng có thể vì đặc tính di truyền, mà răng của bà sau này rất dễ bị hư vì không còn lớp ngà bảo vệ nữa. Gia đình tôi còn giữ được một tấm hình chụp bà năm vừa di cư vào miền Nam, một thôn nữ cuốn khăn mỏ quạ, áo tứ thân với khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, với chiếc nón lá nghiêng vai, hình ảnh mà sau này không bao giờ còn thấy nữa ở Mẹ tôi. Đó thật sự là chân dung của một cô gái quê vừa rời quê hương chân lấm tay bùn của mình để đi một chuyến hành trình lịch sử vào tận miền Nam, cố gắng hoà nhập vào một xã hội hiện đại.
Từ thuở đi lấy chồng, Mẹ tôi chỉ ở nhà làm người nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái. Và bà vẫn như vậy, chưa từng một ngày đi làm cho hãng xưởng, công ty hay văn phòng nào. Thuở nhỏ, tôi thường được bà kể cho nghe những năm thanh xuân của bà, khi bà tham gia sinh hoạt trong đội thiếu niên Tiền phong, trong đội xóa nạn mù chữ ở quê mình. Những khi kể về giai đoạn đó, điều mà tôi thích thú nhất là nghe bà đọc những mẩu ca dao ngăn ngắn của thời kỳ chống Pháp, trong đó có những câu rất lạ chưa được nghe bao giờ. Khi tôi có con gái đầu lòng, bà lên nhà tôi thăm cháu mỗi Chủ nhật, và ngồi ru cháu bằng những bài ca dao đó. Mỗi lần nghe bà ru bằng ca dao một thời của bà, tôi lại tự hứa, phải có một dịp rảnh rỗi ngồi nghe bà đọc và ghi lại hết những câu ca dao đó, kẻo rồi một ngày nào đó nó sẽ bị lãng quên. Nhưng thời đó chưa có máy MP3 để tiện dịp ghi ngay những lúc bà có hứng ngồi ru cháu, và cái “dịp rảnh rỗi” tự hứa thì không bao giờ có …
Tôi còn nhớ lúc bé, mới vào tiểu học, có một lần bà đọc cho anh hay chị tôi viết rồi đưa cho tôi xem một bài thơ lục bát dài 3, 4 trang giấy học trò, mà bà sáng tác để gửi chồng như một bức thư, khi ông gia nhập quân ngũ, xa gia đình ngay từ khi mới lấy nhau. Bài thơ ấy, tôi vẫn nhớ như in trong đầu, viết bằng mực nguyên tử màu xanh lá cây:
“Anh Tâm ơi
Ai làm cho nước loạn ly
Để anh lại phải ra đi cơ hàn
Thương anh nước mắt chứa chan
Thương anh lại phải cơ hàn nắng mưa …”
Bà viết liên tục một mạch như vậy đến mấy trang giấy học trò, khiến tôi phải âm thầm ngưỡng mộ khả năng mà tôi không ngờ tới này, mặc dù bề ngoài tôi không bao giờ nói ra, vì mẹ con chỉ quen mắng yêu, trách yêu nhau chứ không quen khen nhau. Có một điểm sau này tôi cứ thắc mắc, định hỏi lại bà nhưng rồi lại lỡ hẹn, là chữ “cơ hàn” được lập lại rất gần nhau, mà tôi nghi là do ký ức lộn xộn của tôi. Và sẽ chẳng bao giờ có dịp để giải được “vụ án” đó nữa!

Những ngày đầu di cư
Như tôi đã nói ở trên, bà luôn là một người nội trợ đúng nghĩa, chỉ suốt ngày ở trong nhà, lo lắng nhà cửa, chợ búa, cơm nước cho chồng đi làm, con đi học. Nhưng cũng có hai lần bà đã phải xuất tướng, xếp việc chợ búa lại để xắn tay áo lo việc cơm áo gạo tiền, mặc dù không ai ép buộc. Lần đầu là năm Mậu Thân 1968. Năm đó, lần đầu tiên chiến tranh xuất hiện gần bên, thậm chí ngay trước nhà tôi. Sau trận chiến đêm mùng một, nhà tôi bị cháy rụi, gia sản coi như không còn gì, mỗi người chỉ còn đúng một bộ quần áo trên người, con chó Nhật chạy lạc mất hoặc bị thiêu cháy trong ngọn lửa bao trùm, chẳng ai biết được. Đó là lúc chúng tôi cảm thấy chiến tranh hiện diện ngay trước mặt, không còn xa xôi qua tiếng đại bác, bom gầm vọng về hàng đêm nữa. Cả nhà ngơ ngác nhìn nhau, coi như trắng tay làm lại từ đầu … Dọn về ở tạm khu nhà gia binh còn đang cất dang dở chưa xong, chúng tôi bắt đầu một cuộc sống cam khổ. Và, thật bất ngờ, nhưng cũng thật giản dị như một câu chuyện đời thường, Mẹ tôi bắt đầu “xuất tướng” ra ngoài, đi mua bán hàng quân tiếp vụ từ những người lính trẻ độc thân không cần đến những tiêu chuẩn mà họ được mua. Bà đi suốt ngày, thỉnh thoảng ghé về nhà một lúc rồi lại đội nón ra đi, có khi đến tối mịt mới về. Lúc đó tôi còn nhỏ, lo học hành, bạn bè, không biết bà làm ăn buôn bán cỡ nào, lời lỗ ra sao, chỉ đôi lúc bà nhờ đọc dùm tên mấy lon đồ hộp của quân đội Mỹ xem hộp nào là thịt heo, hộp nào là thịt bò hoặc gà tây. Nhưng ít nhất tôi biết bà buôn bán cũng có lời kha khá, vì thấy bà vui vẻ, nhanh nhẹn, và nhất là một lần bà dắt tôi ra chợ để mua cho tôi cái đồng hồ để bàn. Hôm đó bà không nói gì, dắt tôi ra chợ ăn bún như thỉnh thoảng tôi vẫn được “ân huệ” như vậy, vì tôi là con út trong nhà. Ăn xong, bà đưa tôi đến hàng bán đồng hồ, và mua cho tôi đúng cái mà tôi lâu nay vẫn ao ước! Hoá ra bà vẫn để ý, thấy mỗi lần đi với bà ra chợ, đi ngang hàng bán đồng hồ tôi lại chậm bước ngừng lại để nhìn ngắm mê mẩn cái đồng hồ đó!
Tất tả buôn bán được một thời gian, không rõ là bao lâu (tôi vô tâm quá!), cuộc sống gia đình ổn định (hay buôn bán không còn tốt nữa?), bà lại nghỉ ở nhà, trở về cuộc sống nội trợ âm thầm như trước, cứ như chuyện bà rong ruổi buôn bán trong thời gian vừa qua cũng bình thường như chuyện bà đi chợ nấu ăn hàng ngày vậy.
Và còn một lần nữa, bà phải “xuất tướng” lo toan việc kiếm sống, là thời kỳ sau năm 75. Thời kỳ đó, cả khu dân cư nhà tôi ở đều hầu hết là quân nhân, công chức làm việc trong các doanh trại quân đội xung quanh, nên sau năm 75 mọi người đều thất nghiệp hoặc tìm một việc làm tạm bợ nào đấy để sinh sống. Khi các ông chồng không biết phải làm gì, ngồi nhà bàn chuyện thế sự với nhau, các “hiền phụ” phải tất tả ngược xuôi để cáng đáng việc kiếm tiền chạy chợ, và mẹ tôi cùng tham gia trong đạo quân hiền phụ đó. Một lần nữa, bà lại khoác chiếc nón lá, đi loanh quanh mua bán sang tay đủ những thứ tuy linh tinh nhưng hiếm hoi của thời kỳ bao cấp sau giải phóng. Chuyện buôn bán lặt vặt vào thời điểm này không còn dễ dàng như thời năm 68, có lẽ bà chỉ kiếm tạm đủ tiền lo chợ búa, thỉnh thoảng dúi cho tôi một ổ bánh mì còn nóng khi tôi đạp xe lên trường đại học. Lần này bà phải rong ruổi lâu hơn, đâu chừng 4, 5 năm thì các con ra trường đi làm, đồng ít đồng nhiều gửi về phụ giúp gia đình, bà mới được trở về vị trí nội trợ âm thầm của mình.
Suốt bao năm bận rộn xoay sở với cuộc sống, nổi trôi phiêu bạt, thỉnh thoảng có dịp về thăm nhà, bà vẫn tận tụy với những việc lẩm cẩm lặt vặt trong nhà, người càng ngày càng teo quắt lại. Có một thời kỳ người anh cả đi vượt biên, bị bắt cải tạo ở khu trại trong rừng U Minh, bà được tin vội vàng một mình khăn gói lên đường, vượt bao cách trở lên xe xuống phà, thức từ khuya xếp hàng để mua được vé xe đò từ xa cảng miền Tây về Cần Thơ, ghé qua ngủ trọ nơi nhà tập thể của thằng con út (là tôi) để mờ sáng hôm sau lại lên đường đi mãi xuống miệt U Minh thăm thằng con đầu lòng. Rồi mỗi tháng, bà đều lặn lội đi thăm thằng con trai cả (theo tiêu chuẩn được phép), thằng con đầu lòng đã có chút sự nghiệp (bác sĩ), có vợ rồi nhưng vẫn chưa lo lắng gì được cho bà. Một lần, tôi sắp xếp xin nghỉ để đi cùng với bà, và nếm đủ mùi của những đoạn đường đau khổ, xe cộ tồi tàn, chen chúc xếp hàng và chờ đợi đến tuyệt vọng đề có được máy cái vé xe đò từng chặng. Lần đó, khi đến trại xin vào thăm, hai mẹ con mới biết là đã có người đến thăm trước rồi, không còn tiêu chuẩn thăm nuôi tháng đó nữa. Hoạ vô đơn chí, trên chuyến xe đò về Rạch Giá ngủ gà ngủ gật, tôi đã bị rớt hay móc mất bóp giấy tờ mang theo, mà quan trọng nhất là cái chứng minh nhân dân, vật bất ly thân để chứng minh căn cước của mình.Vừa thất vọng vì công lao cực nhọc của chuyến đi bỗng trở thành công cốc, vừa lo lắng vì mất giấy tờ tùy thân, tôi nhất quyết quay về Cần Thơ ngay trong đêm đó, mặc cho bà đòi ngủ lại một đêm cho khoẻ rồi hôm sau về sớm. Thời kỳ đó, nếu bất chợt nửa đêm đang ngủ trọ vất vưởng đâu đó mà bị xét giấy tờ, phát hiện ra không có gì tùy thân thì rất dễ có cơ may được đưa vào trại cải tạo nào đó vì nghi ngờ vượt biên. Tội nghiệp cho bà, không hiểu lý do gì mà thằng con cứ nằng nặc đòi về ngay trong đêm, không nghĩ gì đến thân xác gầy còm đã trải bao dặm đường từ Sài gòn về đây để ôm thất vọng tràn trề khi không được gặp mặt thằng con trai cả của mình. Tôi vẩn ân hận mãi về chuyện này, và mãi về sau này, trong một lúc “trà dư tửu hậu” mới kể lại cho bà lý do vì sao thằng con út của bà lại đòi hỏi vô cớ như vậy.
Biết bao nhiêu chuyện, đều là những chuyện nho nhỏ, nhưng nói lên tấm lòng thương yêu, hy sinh, lo lắng cho con, cho những người con của Mẹ! Bà đã từng đay nghiến, riếc móc đứa con gái duy nhất của mình, để rồi khi nó mất đi, bà âm thầm ngồi khóc hàng đêm cho số phận bi thương của con mình. Và mãi nhớ về con, mãi kể những chuyện về con, cả những chuyện gặp con về trong mơ, hay thấy con về thăm dưới hình hài của những con bướm đêm.

Bên mộ con gái
Mẹ tôi không phải là một người Mẹ vĩ đại trong kinh điển, hy sinh vì đất nước hay vì đại cuộc. Mẹ tôi chỉ là một người mẹ bình thường, một người Mẹ điển hình của Việt Nam, suốt đời nhẫn nhịn, âm thầm chắt bóp vun xén cho gia đình, cho con cái. Nhưng khi có biến cố, những người Mẹ hiền lành đó sẵn sàng đứng ra thay mặt gia đình làm trụ cột, đảm đương trách nhiệm lèo lái con tàu qua cơn giông bão, hay chí ít cũng là một tay chèo chống phụ lực cho mọi người. Điều đặc biệt là khi biến cố đã qua, họ lại trở về vị trí muôn thuở, lại âm thầm lo liệu những việc không tên, không hề tự hào hay khoe khoang về những thời kỳ phải ra tay gánh vác những công việc nặng nề đó, như thể đó cũng chỉ là một trong những công việc hàng ngày mà họ vẫn cặm cụi cả đời. Đối với tôi, về một mặt nào đó, họ chính là những nữ tướng, khi mà “giặc đến nhà đàn bà phải đánh”, như một thời của hai Bà Trưng, của nữ tướng Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân.
Và tôi luôn yêu Mẹ tôi, nhớ Mẹ tôi ngay từ khi bà còn sinh thời, khi tôi đã đủ khôn lớn để hiểu được những gì vĩ đại mà Bà đã làm qua những chuyện rất nhỏ nhoi đó. Và tôi cũng chưa một lần đủ can đảm vượt qua chính mình để :
Chiều nay khi đi học về hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em hãy ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý.
Em hỏi: "Mẹ ơi mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?
Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi một câu như thế vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt và ngày mai mẹ mất, em sẽ không hối hận đau lòng.
(Bông hồng cài áo – Nhất Hạnh)
Biết bao lần, tôi đã về thăm Mẹ, chỉ để ngồi nhìn và nghe bà nói, nhưng vẫn không nói được thành lời những gì đã ghi khắc trong tim, từ khi đọc “Bông Hồng Cài Áo” của Nhất Hạnh, và “Áo Em Cài Hoa Trắng” của Võ Hồng.
Lần cuối tôi về thăm Mẹ và nói chuyện với Bà, thật đau đớn, chính là lần tôi quyết định cho Bà biết sẽ chuẩn bị để làm lễ thượng thọ bát tuần cho Bà trong năm tới. Tôi đã ray rứt khi thấy mình vì lo toan đời thường mà quên đi lễ chúc thọ cho Bà năm Bà 60 rồi 70 tuổi, và nhất quyết không để lỡ một lần này nữa. Theo thói quen, tôi định không cho Bà biết, giữ kín cho đến gần ngày cuối, một phần để Bà bất ngờ, một phần vì … e rằng những gì nói ra sớm quá sẽ không thực hiện được. Thỉnh thoảng tôi vẫn “mê tín” như vậy. Nhưng rồi, ngày Chủ Nhật đó, không kềm được mình, vì muốn Bà vui hơn trong những ngày cuối năm khi sắp bước qua tuổi bát tuần, tôi đã nhắc Bà “Qua năm mới U đã thọ được 80 rồi, để hè các cháu về đông đủ sẽ làm lễ thượng thọ cho U”. Bà không nói gì, chỉ cười nhẹ, nhưng tôi thấy trong ánh mắt của Bà một sự hài lòng mãn nguyện. Có lẽ tuy không nói gì nhưng bao lâu nay Bà cũng cảm thấy tủi thân hay trách móc nhẹ con cái vì đã quên đi không chú ý đến những chuyện tuy nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa với người già. Điều tôi cảm nhận quả là đúng như vậy, vì sau này tôi nghe hàng xóm kể lại, bà đã khoe với họ là năm tới thằng con Bà sẽ làm lễ thượng thọ cho Bà.
Và đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với Bà. Những gì tôi e ngại. muốn kiêng cữ, đau đớn thay đã trở thành sự thật. Vài tuần sau, Bà bị một cơn tai biến liệt người, không nói năng gì được, và âm thầm như vậy cho đến khi Bà mất, không kịp chờ con cháu về đầy đủ. Mẹ ơi !!!! U ơi !!!!
Mùa Vu Lan, 2007
Hà Túc Đạo